Thị trường hoán đổi tiền tệ
Hoán đối tiền tệ là trao đổi một khoản nợ bằng một đồng tiền này cho một khoản nợ bằng một đồng tiền khác. Bằng cách hoán đổi này các bên tham gia có thể thay thế dòng tiền tệ phải trả từ một đồng tiền này sang một đồng tiền khác. Chẳng hạn, một công ty Mỹ có một khoản nợ bằng JPY với lãi suất cố định, thông qua hoán đổi tiền tệ, công ty có thể chuyển số nợ này sang nợ bằng USD, và nhờ thế mà tránh được rủi ro do biến động tỷ giá giữa USD và JPY. Có ít nhất hai lý do cơ bản cho việc sử dụng hợp đồng hoán đổi. Thứ nhất là sử dụng hợp đồng hoán đổi để giảm chi phí. Thứ hai là để tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro.
Sử dụng hợp đồng hoán đổi để giảm chi phí
Sự không hoàn hảo của thị trường gây ra sự chênh lệch chi phí vay vốn ở các thị trường khác nhau. Chẳng hạn, trên thị trường vốn nội địa các công ty trong nước thường có ưu thế tương đối hơn các công ty nước ngoài. Do đó, có thể vay vốn với chi phí thấp hơn các công ty nước ngoài. Hơn nữa, sự đánh giá của ngân hàng và thị trường về uy tín trong vay vốn của các khách hàng vay cũng thường khác nhau. Điều này kích thích việc sử dụng hợp đồng hoán đổi để tận dụng ưu thế tương đối của từng khách hàng trong quan hệ vay vốn.
Ví dụ, nhờ có quan hệ tốt, công ty A có thể vay USD từ ngân hàng A trong khi công ty B có thể vay JPY từ ngân hàng B thấp hơn 50 điểm so với lãi suất thị trường. Mặt khác, công ty A đang cần JPY trong khi công ty B lại cần USD. Trong hoàn cảnh này, công ty A nên vay từ ngân hàng A và công ty B vay từ ngân hàng B, sau đó sử dụng hợp đồng hoán đổi để có được đồng tiền mong đợi nhưng với một chi phí thấp hơn.
Sử dụng hợp đồng hoán đổi để phòng ngừa rủi ro
Phòng ngừa rủi ro có thể hạ thấp chi phí vay vốn bởi vì nó cắt giảm sự không chắc chắn của dòng tiền tệ và xác suất thay đổi bất lợi của tài sản có và tài sản nợ, và do đó làm cho công ty uy tín hơn trong vay mượn. Hơn nữa, nhờ có phòng ngừa rủi ro và gia tăng uy tín nên công ty có thể vay vốn với số lượng lớn. Điều này cũng góp phần hạ thấp chi phí nhờ tận dụng ưu thế về quy mô.
Thông qua hợp đồng hoán đổi các bên tham gia có được ngoại tệ mình mong muốn cùng tỷ giá mà không phải mua bán thông qua ngân hàng nên tránh được rủi ro do biến động tỷ giá và chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Có điểm khác biệt là các hợp đồng kỳ hạn thường sử dụng để phòng ngừa rủi ro hối đoái trong ngắn hạn trong khi hợp đồng hoán đổi tiền tệ sử dụng để phòng ngừa rủi ro hối đoái trong dài hạn, thường trên 2 năm.
Các yếu tố cạnh tranh bao gồm sự năng động, chi phí và sự quen thuộc. Hợp đồng hoán đổi có ưu thế hơn hợp đồng kỳ hạn ở yếu tố năng động nhưng kém ưu thế hơn ở yếu tố quen thuộc trong sử dụng. Còn về chi phí, nhìn chung hợp đồng kỳ hạn có ưu thế hơn, tuy nhiên ưu thế này không lớn lắm.
Ở Việt Nam, giao dịch hoán đổi chính thức ra đời từ khi ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế hoạt động giao dịch hối đoái. Theo quy chế này, giao dịch hoán đổi là giao dịch hối đoái bao gồm cả hai giao dịch: giao dịch mua và giao dịch bán cùng một số lượng đồng tiền này với đồng tiền khác, trong đó kỳ hạn thanh toán của hai giao dịch khác nhau và tỷ giá của hai giao dịch được xác định tại thời điểm ký hợp đồng.

Thực hành giao dịch hoán đổi tiền tệ
Phần này sẽ trình bày cách thức thực hành giao dịch hoán đổi giữa ngân hàng và khách hàng trên thực tế. Khách hàng có nhu cầu thực hiện giao dịch hoán đổi với ngân hàng có thể là các công ty xuất nhập khẩu, các ngân hàng khác hoặc là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Sau đây chúng ta sẽ xem xét hai tình huống cơ bản đưa đến nhu cầu thực hiện giao dịch hoán đổi của khách hàng.
Tình huống 1:
Công ty Saigonimex vừa thu ngoại tệ 90.000 USD từ một hợp đồng xuất khẩu. Hiện tại công ty cần VND để chi trả tiền mua nguyên liệu và lương cho công nhân. Ngoài ra, công ty biết rằng ba tháng nữa sẽ có một hợp đồng nhập khẩu đến hạn thanh toán. Khi ấy, công ty cần một khoản ngoại tệ 80.000 USD. Để thỏa mãn nhu cầu VND ở hiện tại và USD ở tương lai, ở thời điểm hiện tại Saigonimex có thể thỏa thuận với ngân hàng hai loại giao dịch:
Bán 90.000 USD giao ngay để lấy VND chi tiêu ở thời điểm hiện tại.
Mua 80.000 USD kỳ hạn để có USD thanh toán hợp đồng nhập khẩu sẽ đến hạn sau ba tháng nữa.
Tình huống 2:
Công ty Cholonimex đang cần ngoại tệ 90.000 USD để chi trả cho một hợp đồng nhập khẩu đến hạn. Ngoài ra, công ty biết rằng ba tháng nữa sẽ có một hợp đồng xuất khẩu đến hạn thanh toán. Khi ấy, công ty sẽ có một khoản ngoại tệ thu về 80.000 USD cần bán để lấy VND. Để thỏa mãn nhu cầu USD ở hiện tại và VND ở tương lai, ở thời điểm hiện tại Cholonimex có thể thỏa thuận với ngân hàng hai loại giao dịch:
Mua 90.000 USD giao ngay để có USD thanh toán hợp đồng nhập khẩu đến hạn.
Bán 80.000 USD kỳ hạn để có VND chi tiêu sau ba tháng nữa.
Thay vì thực hiện giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn riêng biệt, ngân hàng kết họp hai loại giao dịch này lại trong một hợp đồng gọi là hợp đồng hoán đổi tiền tệ. Trong hợp đồng giao dịch hoán đổi, hai bên ngân hàng và khách hàng thỏa thuận với nhau một số nội dung chính như sau:
Thời gian giao dịch
Thời gian giao dịch hoán đổi có thể từ 3 ngày đến 6 tháng. Nếu ngày đáo hạn rơi vào ngày Chủ nhật hoặc ngày lễ thì hai bên sẽ thỏa thuận chọn một ngày đáo hạn thích hợp và thời hạn hợp đồng sẽ tính trên số ngày thực tế.
Điều kiện thực hiện
Giao dịch hoán đổi áp dụng đối với khách hàng có đủ các điều kiện sau:
– Có giấy phép kinh doanh;
– Xuất trình các chứng từ chứng minh nhu cầu sử dụng ngoại tệ;
– Mở tài khoản ngoại tệ và tài khoản VND ở ngân hàng;
– Trả phí giao dịch theo quy định;
– Duy trì một tỷ lệ đặt cọc tối đa không quá 5% giá trị hợp đồng để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng; và
– Ký hợp đồng giao dịch hoán đổi với ngân hàng.
Ngày thanh toán
Trong giao dịch hoán đổi, ngày thanh toán bao gồm hai loại ngày khác nhau: ngày hiệu lực và ngày đáo hạn. Ngày hiệu lực là ngày thực hiện thanh toán giao dịch giao ngay trong khi ngày đáo hạn là ngày thực hiện thanh toán giao dịch có kỳ hạn.
Xác định tỷ giá hoán đổi
Một hợp đồng hoán đổi liên quan đến hai loại tỷ giá: tỷ giá giao ngay và tỷ giá có kỳ hạn. Tỷ giá giao ngay là tỷ giá do ngân hàng niêm yết tại thời điểm giao dịch do hai bên thỏa thuận. Tỷ giá kỳ hạn được tính trên cơ sở tỷ giá giao ngay, chênh lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ và số ngày thực tế của hợp đồng.
Quy trình thực hiện giao dịch hoán đổi
Tại ngân hàng thương mại, quy trình thực hiện giao dịch hoán đổi tiến hành qua các bước sau đây:
Khách hàng có nhu cầu thực hiện giao dịch hoán đổi đến liên hệ với phòng kinh doanh tiền tệ của ngân hàng.
Căn cứ nhu cầu mua bán ngoại tệ, phòng kinh doanh tiền tệ sẽ chào giá và kỳ hạn cụ thể cho khách hàng.
Nếu khách hàng đồng ý giá cả thì hai bên sẽ ký hợp đồng hoán đổi.
Trường hợp 1: Minh họa giao dịch hoán đổi với Saigonimex
Saigonimex có nhu cầu giao dịch:
Bán 90.000 USD giao ngay để lấy VND chi tiêu ở thời điểm hiện tại.
Mua 80.000 USD kỳ hạn để có USD thanh toán hợp đồng nhập khẩu sẽ đến hạn sau ba tháng nữa.
Giả sử Saigonimex chọn VCB để thực hiện giao dịch hoán đổi.
Vào ngày hiệu lực:
Ngân hàng mua giao ngay 80.000 USD của Saigonimex theo tỷ giá mua USD/VND là 24.000 và nhận 80.000 USD
Saigonimex nhận được 80.000 x 24.000 = 1.920.000.000 VND và chi ra 80.000 USD.
Ngân hàng xác định và chào tỷ giá bán kỳ hạn cho Saigonimex là Fb = 24.500 VND/USD
Vào ngày đáo hạn (3 tháng sau):
Ngân hàng giao lại 80.000 USD cho Saigonimex và nhận số VND bằng 80.000 x 24.500 = 1.960.000.000 VND
Saigonimex nhận lại 80.000 USD và chi ra số VND bằng 1.960.000.000 VND.
Trường hợp 2: Minh họa cho giao dịch hoán đổi với Cholonimex
Cholonimex có nhu cầu giao dịch:
Mua 90.000 USD giao ngay để có USD thanh toán hợp đồng nhập khẩu đến hạn.
Bán 80.000 USD kỳ hạn để có VND chi tiêu sau ba tháng nữa.
Giả sử Cholonimex chọn ACB để thực hiện giao dịch hoán đổi.
Vào ngày hiệu lực:
Ngân hàng bán giao ngay 80.000 USD cho Cholonimex theo tỷ giá giao ngay USD/VND = 24.000 và nhận được 1.920.000.000 VND
Cholonimex nhận 80.000 USD và chi ra 1.920.000.000 VND
Ngân hàng xác định và chào tỷ giá mua kỳ hạn Fm = 24.200 VND/USD
Vào ngày đáo hạn (3 tháng sau)
Ngân hàng nhận lại 80.000 USD và chi cho Cholonimex số tiền VND là: 80.000 x 24.200 = 1.936.000.000 VND
Cholonimex giao cho ngân hàng 80.000 USD và nhận lại 1.936.000.000 VND.
Qua hai tình huống minh họa trên đây chúng ta thấy rõ được tính chất kết hợp giữa một hợp đồng giao ngay và một hợp đồng có kỳ hạn ở hai thời điểm khác nhau của hợp đồng hoán đổi. Nhơ vậy mà đáp ứng được nhu cầu mua và bán lại hoặc bán và mua lại cùng loại ngoại tệ ở hai thời điểm khác nhau của khách hàng.
Nguồn: Ngân hàng Vietcombank
Lợi ích của các bên trong giao dịch hoán đổi tiền tệ
Trong giao dịch hoán đổi, các bên tham gia gồm ngân hàng và khách hàng đều có những lợi ích nhất định. Với khách hàng lợi ích thể hiện ở chỗ khách hàng thỏa mãn được nhu cầu ngoại tệ hoặc nội tệ của mình ở thời điểm hiện tại, tức là vào ngày hiệu lực, đồng thời cũng thỏa mãn nhu cầu mua hoặc bán ngoại tệ vào ngày đáo hạn. Điều này giống như hợp đồng kỳ hạn và do đó tránh được rủi ro biến động tỷ giá.
Đối với ngân hàng lợi ích thể hiện ở chỗ một mặt ngân hàng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng góp phần nâng cao uy tín và gia tăng giá trị thương hiệu của mình. Mặt khác, ngân hàng có thể kiểm được lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và bán ngoại tệ.
Hạn chế của giao dịch hoán đổi tiền tệ
Như đã trình bày, giao dịch hoán đổi là một sự kết hợp giữa giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn. Bản thân giao dịch hoán đổi chỉ giải quyết được nhược điểm của hợp đồng giao ngay là có thể thỏa mãn nhu cầu ngoại tệ của khách hàng ở thời điểm tương lai, đồng thời khắc phục nhược điểm của hợp đồng kỳ hạn ở chỗ có thể thỏa mãn nhu cầu ngoại tệ của khách hàng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cũng như giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi vẫn còn hạn chế ở hai điểm:
Nó là hợp đồng bắt buộc yêu cầu các bên phải thực hiện khi đáo hạn bất chấp tỷ giá trên thị trường giao ngay lúc đó như thế nào. Điều này có mặt lợi là tránh được rủi ro tỷ giá cho khách hàng, nhưng đồng thời đánh mất đi cơ hội kinh doanh nếu như tỷ giá biến động trái với dự đoán của khách hàng.
Nó chỉ quan tâm đến tỷ giá ở hai thời điểm: thời điểm hiệu lực và thời điểm đáo hạn mà không quan tâm đến sự biến động tỷ giá trong suốt quảng thời gian giữa hai thời điểm đó.
Chính hạn chế này khiến cho hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng hoán đổi chỉ có thể là công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá của khách hàng hơn là nhu cầu kinh doanh hay đầu cơ kiếm lời từ sự biến động tỷ giá.
Có thể bạn quan tâm: Khóa học thanh toán quốc tế