Rủi ro tỷ giá trong ngoại thương
Rủi ro dễ nhận thấy trong thương mại quốc tế so với nội địa là rủi ro thay đổi tỷ giá. Những biến động không lường trước của tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến doanh số, giá cả và lợi nhuận của nhà xuất khẩu cũng như nhà nhập khẩu. Ví dụ, một công ty xuất khẩu gạo Việt Nam phải đối mặt với sự lên giá của VND khi tỷ giá thay đổi từ 1 USD = 24.500 VND đến 1 USD = 23.000 VND.
Hai khả năng có thể xảy ra:
Thứ nhất, sau khi VND lên giá, nếu công ty duy trì giá gạo không đổi tính bằng VND là 5.000.000 VND/tấn thì công ty phải bán với giá tính bằng USD tăng lên từ 204 USD/tấn (= 5.000.000 : 24.500) lên 217,4 USD/tấn (= 5.000.000 : 23.000). Do giá tăng nên công ty sẽ xuất khẩu được ít gạo hơn, nghĩa là thu nhập của công ty từ xuất khẩu cũng như lợi nhuận tính bằng VND giảm xuống.
Thứ hai, sau khi VND lên giá, nếu công ty duy trì giá gạo không đổi bằng USD là 204 USD/tấn thì thu nhập của công ty sẽ giảm từ 5.000.000 VND/tấn (204 x 24.500) xuống 4.692.000 VND (204 x 23.000).
Tương tự, giá cả, thu nhập và lợi nhuận của nhà những nhà nhập khẩu cũng chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi không lường trước của tỷ giá.
Sự thay đổi của tỷ giá có ảnh hưởng đến giá cả, thu nhập và lợi nhuận của nhà xuất khẩu và nhập khẩu hay không là phụ thuộc vào sự thay đổi tỷ giá có thực sự làm cho hàng hóa của công ty trở nên rẻ hơn hay đắt hơn đối với người nước ngoài, nghĩa là chúng ta phải đề cập đến tương quan trong tỷ lệ lạm phát giữa các quốc gia là như thế nào.
Ví dụ, nếu tỷ giá thay đổi từ 1 USD = 24.500 VND đến 1 USD = 23.000 VND và giá gạo trong nước giảm từ 5.000.000 VND xuống 4.692.000 VND thì giá gạo xuất khẩu tính bằng USD vẫn không đổi là 204 USD/tấn (4.692.000 : 23.000). Điều này có nghĩa là, cho dù tỷ giá thay đổi, nhưng tương quan lạm phát đã làm triệt tiêu hiệu ứng rủi ro tỷ giá đối với công ty (bằng chứng là giá gạo tính bằng USD không đổi nên không ảnh hưởng đến phía cần từ phía nhập khẩu. Qua ví dụ này, thấy rằng để xác định ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá, ta phải đề cập đến yếu tố lạm phát và mối tương quan giữa lạm phát và thay đổi tỷ giá là như thế nào.
Ngày nay, mức độ rủi ro tỷ giá đã tăng lên, thậm chí còn nhanh hơn tốc độ tăng khối lượng thương mại và đầu tư quốc tế. Điều này xảy ra là vì sự biến động của tỷ giá ngày càng trở nên vô lối với cường độ ngày càng mạnh hơn. Sự biến động vô lối của tỷ giá được thể hiện ở chỗ, tại thời điểm này đồng USD lên giá tột độ, tại thời điểm khác một số đồng tiền chính đột ngột tụt giá… Tại những thời điểm căng thẳng ở nước Nga, Trung Đông hay những thông tin về tình trạng lành mạnh hay khó khăn về kinh tế của một nước… thì tỷ giá thường biến động đột biến với hàm lượng lớn. Hàng tỷ USD, JPY, GBP… có thể kiếm được hay thua lỗ chỉ trong một ngày là kết quả của sự biến động tỷ giá. Trước đây, chưa bao giờ tỷ giá lại biến động mạnh như ngày nay và do đó rủi ro tỷ giá ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi nhà kinh doanh xuất nhập khẩu.
Nhìn chung, chưa có sự thống nhất trong đánh giá nguyên nhân tại sao ngày nay tỷ giá lại biến động mạnh hơn so với quá khứ. Một số phân tích cho rằng sự biến động mạnh của tỷ giá là do áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi vào năm 1973. Một số phân tích khác lại cho rằng chế độ tỷ giá cố định trước đây đã không bị đối đầu với những cú sốc lớn như tăng giảm đột biến giá dầu, các cuộc xung đột quốc tế… Ngoài ra, xu hướng toàn cầu hóa đầu tư đã đóng một vai trò quan trọng liên quan đến “những đồng tiền nóng” di chuyển từ trung tâm tài chính này đến trung tâm tài chính khác để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn.
Một lý do nữa có thể là do công nghệ phát triển đã làm cho tốc độ chuyển tiền và tốc độ truyền tin trở nên nhanh như tia chớp. Cho dù là nguyên nhân nào thì cùng với sự biến động gia tăng của tỷ giá đòi hỏi phải hiểu biết những phương pháp quản trị rủi ro tỷ giá, là một trong những trọng tâm nghiên cứu của môn học Tài chính quốc tế.

Phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong ngoại thương
Đứng trước sự biến động nhanh, mạnh và khó dự báo của tỷ giá ngày nay, trước xu hướng mở rộng và đa dạng hóa thị trường quốc tế, đa dạng hóa cơ cấu đồng tiền trong thanh toán thì việc tìm kiếm các giải pháp để phòng ngừa rủi ro tỷ giá là vô cùng cần thiết. Bên cạnh công cụ truyền thống là các công cụ tài chính phái sinh thì một số biện pháp hỗ trợ cũng cần được đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất, nâng cao năng lực dự báo sự biến động tỷ giá: Về mặt lý thuyết, biết trước được xu hướng biến động tỷ giá sẽ là giải pháp hữu hiệu bậc nhất trong việc phòng ngừa rủi ro và là cơ hội kiếm lãi từ sự biến động tỷ giá. Nhà xuất khẩu sẽ ưu tiên nhận được thanh toán bằng đồng tiền có xu hướng lên giá, còn nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên thanh toán bằng đồng tiền có xu hướng giảm giá.
Tuy nhiên, trong thực tế, công tác dự báo tỷ giá là một công việc phức tạp, tốn kém và khó đạt được độ tin cậy cao. Bởi vì, nếu mọi dự báo mà chính xác, thì việc kiếm tiền từ biến động tỷ giá hóa ra thật dễ dàng, sẽ có ít người bỏ qua. Chính vì điều đó, mà không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rất thờ ơ, bất lực trong công tác dự báo tỷ giá, mà họ thường sử dụng các giải pháp chắc chắn, đó là sử dụng các công cụ tài chính phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Trước những diễn biến của tỷ giá vừa bất ngờ, vừa phức tạp như ngày nay, thì các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực trong việc thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin về sự biến động tỷ giá hoặc dựa vào tư vấn của các chuyên gia tài chính tiền tệ để có định hướng kịp thời trong kế hoạch kinh doanh của mình. Đối với các doanh nghiệp lớn và các ngân hàng thương mại với giá trị tài sản có và tài sản nợ khổng lồ bằng ngoại tệ, có các khoản thu chi lớn bằng ngoại tệ, có trạng thái ngoại tệ ở mức cao thì công tác dự báo tỷ giá trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Sự biến động bất ngờ của tỷ giá với biên độ rộng có thể khiến cho những doanh nghiệp này khuynh đảo và có thể phá sản. Chính vì vậy, trước hết các doanh nghiệp lớn phải tự phòng ngừa bằng cách thiết lập một bộ phận chuyên trách và chuyên nghiệp để dự báo tỷ giá.
Do thị trường ngoại hối là thị trường gần đạt đến độ hiệu quả hoàn hảo, điều này được thể hiện ở chỗ: trên thị trường này hàng hóa là đồng nhất, thông tin cân xứng, thị trường toàn cầu với tính thanh khoản cao, chi phí giao dịch thấp… nên sự biến động của tỷ giá được xem là biến ngẫu nhiên, nghĩa là khó dự đoán, dự báo trước được. Việc dự báo đúng xu hướng biến động tỷ giá thường xem là có yếu tố “may mắn”. Thực tế này không phủ nhận hoàn toàn vai trò của công tác dự báo, mà chỉ muốn lưu ý các nhà quản trị rằng dự báo tỷ giá chỉ là một trong số các công cụ cần được sử dụng để quản trị rủi ro, chứ không phải duy nhất, mà bên cạnh đó cần sử dụng kết hợp với các công cụ hữu hiệu khác.
Thứ hai, chuyển hướng tới đa dạng hóa tiền tệ trong thanh toán quốc tế. Rõ ràng là, đa dạng hóa tiền tệ trong thanh toán quốc tế sẽ làm giảm đáng kể rủi ro tỷ giá. Nếu cơ cấu thanh toán chỉ dựa vào một hay một số ít ngoại tệ thì rủi ro tỷ giá bộc lộ là rất lớn, bởi vì quy mô rủi ro sẽ đúng bằng sự biến động của tỷ giá. Tuy nhiên, nếu chúng ta (một doanh nghiệp, một ngân hàng hay một quốc gia) đa dạng hóa các ngoại tệ trong thanh toán quốc tế thì rủi ro tỷ giá sẽ giảm đi đáng kể. Bởi vì, khi tỷ giá các đồng tiền biến động thì có thể làm phát sinh lãi đối với đồng tiền này và lỗ đối với đồng tiền khác, nên hạn chế được rủi ro tỷ giá vì chúng tự động bù đắp cho nhau. Ví dụ, nếu ta đồng thời duy trì trạng thái trường
USD và EUR thì khi USD giảm giá sẽ làm cho thu nhập bằng VND giảm, nhưng bù lại việc EUR lên giá sẽ bù đắp cho phần thiệt hại đó.
Việc đa dạng hóa ngoại tệ mới chỉ có thể giảm thiểu được rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với rủi ro tỷ giá cho dù cơ cấu đồng tiền thanh toán đã được đa dạng hơn. Một thực tế là, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã được bảo vệ gần như tuyệt đối trước những rủi ro biến động tỷ giá nhờ vào chính sách ổn định tỷ giá VND với USD của Nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài, khi mà các doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang thanh toán bằng các đồng tiền khác với USD. Dẫn đến vấn đề kiểm soát rủi ro tỷ giá cần được quan tâm đặc biệt, đó là cần sử dụng công cụ tài chính phái sinh trong điều kiện đa tiền tệ.
Thứ ba, sử dụng công cụ tài chính phái sinh trong điều kiện đa ngoại tệ. Hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cung cấp hết các công cụ phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá của VND với USD. Nhưng thật tiếc! Vì tỷ giá VND với USD được duy trì ổn định và có thể dự báo trước được chính sách điều tiết tỷ giá của Nhà nước, nên doanh số giao dịch các sản phẩm phái sinh hầu như không đáng kể. Một vấn đề phức tạp đặt ra là, khi các doanh nghiệp chuyển sang thanh toán bằng các đồng tiền khác với USD, nghĩa là các tỷ giá giữa VND với các đồng tiền này hoàn toàn được thả nổi, thì các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ tạo lập các sản phẩm phái sinh tương thích như thế nào? Bản thân ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp cần có sự hiểu biết thấu đáo để chủ động cung cấp và sử dụng các sản phẩm này thì mới mang lại hiệu quả kịp thời. Một trong những công cụ phái sinh mà các doanh nghiệp ưa chuộc sử dụng đó là hợp đồng kỳ hạn. Hợp đồng kỳ hạn với USD được xem là hợp đồng cơ sở và đã quen thuộc, vậy nếu doanh nghiệp có khoản thu chi bằng EUR chẳng hạn thì ngân hàng thương mại sẽ cung cấp hợp đồng kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá VND với EUR như thế nào? Hay nói cách khác, ngân hàng thương mại phải xác định được tỷ giá kỳ hạn VND với EUR để các doanh nghiệp sử dụng.
Có thể bạn quan tâm: Khóa học thanh toán quốc tế