Ngoại hối
Ngoại hối bao gồm các phương tiện thanh toán được sử dụng trong thanh toán quốc tế; trong đó, phương tiện thanh toán là những thứ có sẵn để chi trả, thanh toán lẫn cho nhau.
Đối với một quốc gia, ngoại hối bao gồm:
– Ngoại tệ: là đồng tiền nước ngoài (bao gồm cả đồng tiền chung của các nước khác và Quyền rút rốn đặc biệt SDR). Ngoại tệ có thể là tiền kim loại, tiền giấy, tiền trên tài khoản, séc du lịch, tiền điện tử và các phương tiện khác được xem như tiền.
– Các giấy tờ có giá ghi bằng ngoại tệ, như séc thương mại, chấp phiếu ngân hàng, kỳ phiếu, hối phiếu, trái phiếu, cổ phiếu và các giấy tờ có giá khác.
– Vàng tiêu chuẩn quốc tế: là vàng khối, vàng thỏi có chất lượng từ 99,5% và khối lượng từ 1 kg trở lên, có nhãn hiệu của nhà sản xuất vàng, được hiệp hội vàng, sở giao dịch vàng quốc tế công nhận.
– Đồng tiền quốc gia do người không cưu trú nắm giữ.
Khái niệm ngoại hối thường được hiểu theo luật định và tương đối thống nhất gữa các quốc gia.
Ngoại hối là hàng hóa mua bán trên thị trường ngoại hối, nhưng trên thực tế, người ta chủ yếu mua bán ngoại tệ, còn các giấy tờ có giá ghi bằng ngoại tệ ít được mua bán trực tiếp trên thị trường ngoại hối. Muốn trở thành ngoại tệ để giao dịch trên thị trường ngoại hối, thì trước hết phải bán (chiết khấu) các giấy tờ có giá để có ngoại tệ, sau đó mới tiến hành mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Do đó, theo nghĩa hẹp, ngoại hối chính là ngoại tệ.
Thị trường ngoại hối
Trong ngoại thương cũng như các hoạt động kinh tế và phi kinh tế giữa các nước, làm phát sinh nhu cầu trao đổi, mua bán các đồng tiền khác nhau. Việc mua bán các đồng tiền khác nhau diễn ra trên thị trường, thị trường này gọi là thị trường ngoại hối.
Thị trường ngoại hối có các đặc điểm sau:
1. Forex không nhất thiết phải tập trung tại vị trí địa lý hữu hình nhất định, nên nó còn được gọi là thị trường không gian (space market).
2. Do sự chênh lệch về múi giờ giữa các khu vực trên thế giới nên các giao dịch diễn ra suốt ngày đêm. Thị trường bắt đầu hoạt động từ Australia, Nhật, Singapore, Hongkong, Châu Âu, New York… và cứ như vậy, khi thị trường khu vực Châu Á đóng cửa thì thị trường Châu Mỹ bắt đầu hoạt động theo một chu kỳ khép kín toàn cầu.
3. Trung tâm của thị trường ngoại hối là thị trường liên ngân hàng với doanh số giao dịch chiếm khoảng 85%.
4. Phương tiện giao dịch gồm điện thoại, mạng vi tính, telex và fax. Do thông tin được truyền đi rất nhanh và hiệu quả cho nên tuy các thành viên tham gia thị trường ở rất xa nhau nhưng họ vẫn có cảm giác là đang cùng hoạt động dưới một mái nhà chung.
5. Do thị trường có tính toàn cầu và hoạt động hiệu quả, nên tỷ giá trên các thị trường là thống nhất với nhau.
6. Đây là thị trường rất nhạy với các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý… nhất là với các chính sách tiền tệ của các nước phát triển.
7. Doanh số mua bán ròng toàn cầu, tại thời điểm năm 2020 ước tính vào khoảng 3000 tỷ USD/ngày.
Thị trường ngoại hối toàn cầu có tốc độ phát triển rất nhanh trong mấy thập kỷ qua, đặc biệt là từ cuối những năm 1980 là do có những nguyên nhân chính sau:
8. Sau khi hệ thống hệ thống tiền tệ Bretton Woods bị sụp đổ vào năm 1973, tỷ giá các đồng tiền trên thế giới được thả nổi và dao động mạnh đã buộc những nhà kinh doanh tiền tệ, xuất nhập khẩu và đầu tư quốc tế phải tìm kiếm các biện pháp phòng chống rủi ro thông qua thị trường ngoại hối; mặt khác, họ cũng tranh thủ thời cơ tỷ giá biến động mạnh để đầu cơ kiếm lời. Điều đó làm tăng nhu cầu giao dịch mua bán ngoại tệ, góp phần thúc đẩy thị trường ngoại hối phát triển nhanh chóng.
9. Xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư quốc tế diễn ra mạnh mẽ về chiều rộng lẫn chiều sâu, bao gồm cả các nước đang phát triển cũng đã và đang tích cực tham gia tiến trình hội nhập, là tiền đề để các nước tiến hành nới lỏng quy chế quản lý ngoại hối nhằm tạo điều kiện cho chu chuyển honàg hóa, dịch vụ và vốn quốc tế được hiệu quả. Điều này tạo nên một thị trường ngoại hối quốc tế ngày càng rộng lớn với doanh số giao dịch ngày một cao.
10. Tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã góp phần làm giảm chi phí giao dịch, tăng tốc độ thanh toán, góp phần tích cực thúc đẩy thị trường ngoại hối phát triển như ngày nay.
Bên cạnh tăng doanh số giao dịch, thị trường ngoại hối quốc tế còn phát triển mạnh về chiều sâu, đó là tạo ra nhiều loại hình nghiệp vụ kinh doanh mới, phức tạp hơn, tinh vi hơn và cũng trở nên rủi ro hơn.

Các nghiệp vụ trên FOREX: Căn cứ tính chất và nội dung kinh doanh, các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối bao gồm:
1. Nghiệp vụ giao ngay (The Spot Operations).
2. Nghiệp vụ kỳ hạn (The Forward Operations).
3. Nghiệp vụ hoán đổi (The Swaps Operations).
4. Nghiệp vụ tương lai (The Currency Futures).
5. Nghiệp vụ quyền chọn (The Currency Options).
Chính sách quản lý ngoại hối
Ngân hàng nhà nước là cơ quan trực tiếp phụ trách và ban hành chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam.
Nội dung về chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam hiện nay được quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11, ngày 13/12/2005 và
Pháp lệnh số 06/2013/PL-UBTVQH13 ngày 18/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách quản lý ngoại hối nhằm tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế;
Thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia, nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam; thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam; thực hiện các cam kết của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ngoại hối và hoàn thiện hệ thống quản lý ngoại hối của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm: Khóa học thanh toán quốc tế