Phương thức nhờ thu – Collection

Khái niệm phương thức nhờ thu

Nhờ thu là phương thức thanh toán, theo đó, bên bán sau khi giao hàng sẽ ủy thác cho ngân hàng phục vụ mình xuất trình bộ chứng từ thông qua ngân hàng đại lý cho bên mua để được thanh toán, chấp nhận hối phiếu.
Nhà xuất khẩu sau khi giao hàng, lập bộ chứng từ cùng với đơn yêu cầu nhờ thu gửi cho ngân hàng phục vụ mình. Với sự giúp đỡ cần thiết, ngân hàng kiểm tra toàn bộ các chứng từ để đảm bảo rằng các chứng từ là đầy đủ, nhưng không vì thế mà ngân hàng phải chịu trách nhiệm về bất cứ một lỗi hay sai sót nào của chứng từ. Sau đó, ngnâ hàng phục vụ nhà xuất khẩu chuyển bộ chứng từ cùng một “Lệnh nhờ thu” cho ngân hàng phục vụ nhà nhập khẩu để xuất trình và trao cho nhà nhập khẩu khi được thanh toán. Nghĩa là sau khi nhà nhập khẩu thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán thì bộ chứng từ mới được trao cho nhà nhập khẩu để đi nhận hàng.
Phương thức nhờ thu có ưu điểm cơ bản là đã dung hòa được tính an toàn và rủi ro so với phương thức ghi sổ, nhưng lại giảm được chi phí so với phương thức tín dụng chứng từ. Cụ thể là:
– Phương thức ghi sổ: an toàn cho nhà nhập khẩu, nhưng rủi ro đối với nhà xuất khẩu.
– Phương thức ứng trước: an toàn cho nhà xuất khẩu, nhưng rủi ro đối với nhà nhập khẩu.
Trong khi đó, bằng cách sử dụng ngân hàng như một trung gian thu hộ tiền ở người mua trả cho người bán, phương thức nhờ thu có thể:
– Giảm được rủi ro cho cả hai bên nhập khẩu và xuất khẩu.
– Hạn chế sự chậm trễ trong việc nhận tiền đối với nhà xuất khẩu và nhận hàng đối với nhà nhập khẩu.
– Giảm được chi phí giao dịch so với tín dụng chứng từ.

Văn bản pháp lý điều chỉnh phương thức nhờ thu

Quy tắc Thống nhất về Nhờ thu (The ICC Uniform Rules for Collection) được phát hành bởi ICC vào năm 1956; sau đó được tái bản vào các năm 1967, 1978 và lần tái bán sau cùng được Hội đồng của ICC chấp nhận vào năm 1995, với tiêu đề “ICC Uniform Rules for Collections, Publication No 522” (Viết tắt URC 522).
Do ICC là tổ chức Hiệp hội phi chính phủ, do đó, cũng như các văn bản khác do ICC phát hành, các phiên bản URC mang tính chất pháp lý tùy ý. Điều này được thể hiện ở chỗ:
1. Tất cả các phiên bản URC còn nguyên giá trị, nghĩa là các phiên bản không phủ nhận lẫn nhau mà độc lập với nhau. Điều này là hoàn toàn ngược với quy tắc của các nguồn luật quốc gia hay quốc tế.
2. Các bên được tự do thỏa thuận áp dụng hay không áp dụng URC để điều chỉnh nhờ thu. Vì vậy, tất cả các phiên bản đều còn nguyên hiệu lực, nên khi lựa chọn áp dụng thì phải nói rõ là áp dụng phiên bản nào. Thông thường, phiên bản mới nhất hiện hành được các bên lựa chọn áp dụng bằng việc dẫn chiếu trong “Đơn yêu cầu nhờ thu” và “Lệnh nhờ thu” câu: “This Collection is subject to the Uniform Rules for Collections, 1995 Revision ICC Pub. No. 522”. Khi đã có dẫn chiếu như vậy thì URC 522 trở thành văn bản pháp luật bắt buộc thực hiện với tất cả các bên liên quan.
3. Các bên có thể thỏa thuận:
– Loại trừ (không áp dụng) một hay một số điều khoản của URC.
– Bổ sung (đưa thêm) một hay một số các điều khoản khác mà URC không điều chỉnh.
– Thay đổi, điều chỉnh nội dung của một hay một số các điều khoản của URC.
Chính vì vậy, khi xử lý nhờ thu thì những quy định cụ thể trong Lệnh nhờ thu phải được ưu tiên thực hiện trước các điều khoản của URC.
4. Tính chất pháp lý của URC là dưới luật quốc gia. Điều này hàm ý, nếu có sung đột giữa URC với Luật quốc gia, thì luật quốc gia được ưu tiên vượt lên trên về mặt pháp lý. Do đó, khi áp dụng URC, các bên liên quan còn phải tính đến đặc điểm luật pháp của các quốc gia liên quan đến nhờ thu.

Các bên tham gia của phương thức nhờ thu và mối quan hệ giữa họ

Các bên tham gia

1. Người ủy thác thu (Principal): là người yêu cầu ngân hàng phục vụ mình (ngân hàng nhờ thu) thu hộ tiền, và có các vai trò:
– Là mắt xích đầu tiên trong dây chuyền nhờ thu.
– Là người quy định nội dung giao dịch nhờ thu.
– Là người phát ra các chỉ thị cho tất cả các bên thực hiện.
– Là người có quyền thụ hưởng nhờ thu.
– Là người chịu chi phí cuối cùng về nhờ thu.
Như vậy, nhờ thu là nhờ thu của người ủy thác, do đó, quy tắc xuyên suốt trong nhờ thu là: “Mọi chỉ thị liên quan đến nhờ thu đều phải do người ủy thác đưa ra. Các ngân hàng có quyền và chỉ thu được phí dịch vụ khi làm đúng các chỉ thị này bất luận kết quả nhờ thu là như thế nào. Nếu làm không đúng, gây hậu quả thì phải bồi thường.”
2. Ngân hàng nhờ thu (Remitting Bank, Sending Bank): Là ngân hàng, theo yêu cầu của người ủy thác, chấp nhận chuyển nhờ thu đến ngân hàng đại lý (ngân hàng thu hộ) ở gần và thuận tiện với người trả tiền. Do đó, ngân hàng nhờ thu là ngân hàng phục vụ người ủy thác; và trong quá trình xử lý nhờ thu, ngân hàng nhờ thu chịu trách nhiệm với người ủy thác.
3. Ngân hàng thu hộ (Collecing Bank): Thông thường, đây là ngân hàng đại lý hay chi nhánh của ngân hàng nhờ thu có trụ sở ở nước người trả tiền, ngân hàng thu hộ nhận nhờ thu từ ngân hàng nhờ thu và thực hiện thu tiền từ người trả tiền theo các chỉ thị trong Lệnh nhờ thu. Sau khi thu được tiền, ngân hàng thu hộ phải chuyển trả cho ngân hàng nhờ thu. Ngân hàng thu hộ phải chịu trách nhiệm về nhờ thu với ngân hàng nhờ thu.
4. Ngân hàng xuất trình (Presenting Bank):
– Nếu người trả tiền có quan hệ tài khoản với ngân hàng thu hộ, thì ngân hàng thu hộ sẽ xuất trình nhờ thu trực tiếp cho người trả tiền; trong trường hợp này thì ngân hàng thu hộ đồng thời là ngân hàng xuất trình.
– Nếu người trả tiền không có quan hệ tài khoản với ngân hàng thu hộ thì có thể chuyển nhờ thu cho một ngân hàng khác có quan hệ tài khoản với người trả tiền để xuất trình. Trong trường hợp này, ngân hàng phục vụ người trả tiền trở thành ngân hàng xuất trình, và chịu trách nhiệm trực tiếp với ngân hàng thu hộ.
5. Người trả tiền hay người thụ trái (Drawee): Là người mà nhờ thu được xuất trình để thanh toán hay chấp nhận thanh toán. Người trả tiền trong ngoại thươnglà nhà nhập khẩu.
Lưu ý:
1. Đối với nhờ thu nội địa, nếu cả người mua và người bán đều có tài khoản tại một ngân hàng, thì ngân hàng này vừa đóng vai trò ngân hàng nhờ thu, ngân hàng thu hộ và ngân hàng xuất trình.
2. Tên (thuật ngữ) dùng cho các bên tham gia không quyết định đến nội dung và tính chất của nghiệp vụ nhờ thu; điều cơ quan là phải nắm được sự di chuyển của chứng từ và của tiền tệ trong nhờ thu là như thế nào.

Mối quan hệ giữa các bên

Như đã nêu trên, nhờ thu là nhờ thu của người ủy thác, do đó, mọi chỉ thị liên quan đến nhờ thu đều phải do người ủy thác đưa ra.
1. Người ủy thác/ngân hàng nhờ thu:
Người ủy thác chuyển bộ chứng từ cùng Đơn yêu cầu nhờ thu cho ngân hàng nhờ thu. Với vai trò là đại lý cho người ủy thác, nên ngân hàng nhờ thu phải hành động đúng theo các chỉ thị trong Đơn yêu cầu nhờ thu.
Nếu các chỉ thị không hoàn chỉnh hoặc ngân hàng nhờ thu không thể tuân thủ các chỉ thị, thì ngay khi nhận được Đơn yêu cầu nhờ thu, ngân hàng nhờ thu phải cùng với người ủy thác làm rõ ràng mọi vấn đề nhằm giúp cho nhờ thu có thể thực hiện được.
Mối quan hệ cơ bản, theo đó ngân hàng nhờ thu hành động với chức năng là đại lý cho người ủy thác bao gồm:
– Ngân hàng nhờ thu không được có hành động khác với các chỉ thị trong đơn yêu cầu nhờ thu do người ủy thác đưa ra.
– Nếu ngân hàng nhờ thu có hành động khác với các chỉ thị do người ủy thác đưa ra, phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người ủy thác, nếu có. Trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường của ngân hàng nhờ thu có thể lớn hơn giá trị nhờ thu.
– Nếu ngân hàng nhờ thu hành động đúng các chỉ thị do người ủy thác đưa ra, thì không chịu bất cứ trách nhiệm gì trong bất cứ hoàn cảnh nào, và người ủy thác chịu trách nhiệm trả mọi chi phí phát sinh liên quan đến nhờ thu cho ngân hàng nhờ thu.
Ví dụ, nếu người ủy thác chỉ thị cho ngân hàng nhờ thu gửi chứng từ nhờ thu đến ngân hàng A, nhưng ngân hàng nhờ thu lại chuyển chứng từ đến ngân hàng B mà không được phép của người ủy thác; như vậy, ngân hàng nhờ thu đã có hành động không được ủy quyền bởi người ủy thác.
Tuy nhiên, nếu người ủy thác không chỉ định ngân hàng thu hộ, và ngân hàng nhờ thu tự ý chuyển chứng từ đến cho ngân hàng C có quan hệ đại lý với mình, thì ngân hàng nhờ thu không cần có sự cho phép của người ủy thác, bởi vì theo quy tắc của URC thì điều đó là được phép.
2. Ngân hàng nhờ thu /ngân hàng thu hộ:
Ngân hàng nhờ thu phải chuyển nguyên vẹn chứng từ và các chỉ thị của người ủy thác cho ngân hàng thu hộ, ngân hàng thu hộ phải hành động theo đúng các chỉ thị này bất kể mối quan hệ riêng của mình với người trả tiền là như thế nào. Ngân hàng thu hộ chịu trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng nhờ thu nếu hành động không đúng các chỉ thị nhận được từ ngân hàng nhờ thu. Ngân hàng nhờ thu chịu trách nhiệm trả mọi khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc thực hiện đúng các chỉ thị nhờ thu.
3. Ngân hàng thu hộ /ngân hàng xuất trình
Đôi khi nhờ thu được chuyển tiếp bởi ngân hàng thu hộ qua ngân hàng xuất trình cho nhà nhập khẩu. Trong trường hợp này, ngân hàng xuất trình phải hành động đúng các chỉ thị nhận được từ ngân hàng thu hộ bất kể mối quan hệ riêng của mình với nhà nhập khẩu là như thế nào. Nếu ngân hàng xuất trình hành động không đúng các chỉ thị thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng thu hộ; ngược lại nếu hành động đúng các chỉ thị thì được ngân hàng thu hộ trả đầy đủ các khoản phí và chi phí phát sinh liên quan đến nhờ thu.
4. Người ủy thác / Người trả tiền (Người xuất khẩu / Người nhập khẩu)
Quan hệ cơ bản giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu chính là các điều khoản quy định trong hợp đồng mua bán.
Tóm lại, trong từng mối quan hệ nêu trên, nghĩa vụ hành động và trách nhiệm bồi thường phụ thuộc vào việc các bên có hành động đúng theo sự ủy quyền trong đơn và trong lệnh nhờ thu hay không. Đây là cơ sở cho mối quan hệ giữa các bên trong nghiệp vụ nhờ thu.

Các loại nhờ thu và quy trình nghiệp vụ phương thức nhờ thu

Nhờ thu phiếu trơn (clean collection)

Khái niệm

Nhờ thu hối phiếu trơn là phương thức nhờ thu trong đó người xuất khẩu ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ở người nhập khẩu căn cứ vào hối phiếu do mình lập ra còn chứng từ hàng hóa thì gửi thẳng cho người nhập khẩu, không gửi cho ngân hàng.
Phương thức này liên quan đến hai loại chứng: chứng từ thương mại và chứng từ tài chính (hối phiếu). Có thể nói nhờ thu phiếu trơn là hình thức nhờ thu trong đó chứng từ tài chính tách rời chứng từ thương mại.
Chứng từ tài chính bao gồm: hối phiếu, kỳ phiếu, séc hoặc các phương tiện tương tự khác sử dụng trong việc chi trả, thanh toán tiền.
Chứng từ thương mại bao gồm: hóa đơn, chứng từ vận tải, các chứng từ có tiêu đề hoặc các chứng từ tương tự khác.
Trình tự tiến hành
phương thức nhờ thu trơn
Giải thích sơ đồ
(1) Người bán giao hàng, lập bộ chứng từ gởi thẳng cho người mua;
(2) Người bán ký phát hối phiếu đòi tiền người mua và nhờ ngân hàng thu hộ tiền của hối phiếu.
(3) Ngân hàng bên bán chuyển hối phiếu cho ngân hàng bên mua và nhờ ngân hàng này thu hộ tiền ở người mua.
(4) Ngân hàng bên mua chuyển hối phiếu cho người mua và yêu cầu trả tiền.
(5) Người mua trả tiền hoặc từ chối trả tiền phụ thuộc vào thiện chí của họ. Nói chung, sau khi nhận hàng, người mua mới trả tiền.
(6) Ngân hàng bên mua chuyển tiền hoặc hoàn lại hối phiếu bị từ chối trả tiền cho ngân hàng bên bán.
(7) Ngân hàng bên bán chuyển tiền hoặc hoàn lại hối phiếu bị từ chối trả tiền cho người bán.
Nhờ thu trơn liên quan đến 4 bên nhưng mỗi bên chỉ làm một phần hay một số khâu nhất định của quy trình. Cụ thể là:
Người xuất khẩu làm 2 việc: giao hàng và bộ chứng từ hàng hóa cho nhà nhập khẩu và lập thủ tục nhờ ngân hàng thu hộ tiền. Hàng hóa được giao cho đại lý vận tải chuyển đến cảng của người mua. Sau khi giao hàng xong, người nhập khẩu lập bộ chứng từ nhờ thu bao gồm: chứng từ liên quan đến hàng hóa như hóa đơn, vận đơn, các loại giấy chứng nhận, gửi trực tiếp cho người nhập khẩu và chứng từ tài chính (chỉ thị nhờ thu và hối phiếu) nộp vào ngân hàng nhận ủy thác thu.
Ngân hàng nhận ủy thác thu: Sau khi tiếp nhận bộ chứng từ nhờ thu do người xuất khẩu nộp vào sẽ chuyển đến cho ngân hàng đại lý của mình để xuất trình đòi tiền người nhập khẩu. Sau đó ngân hàng nhận ủy thác thu chờ kết quả thu hộ từ ngân hàng đại lý sẽ ghi có và báo có lại cho người xuất khẩu.
Ngân hàng đại lý hay ngân hàng thu hộ sẽ xuất trình hối phiếu đòi tiền người nhập khẩu và hành xử tùy theo chỉ thị nhờ thu và hối phei61u do người xuất khẩu lập ra và do ngân hàng bên phía người xuất khẩu chuyển đến. Sau đó, tùy theo phản ứng của người nhập khẩu mà ngân hàng đại lý sẽ chuyển tiền thu hồi được hoặc thông báo từ chối của người nhập khẩu về cho ngân hàng bên phía người xuất khẩu.
Người nhập khẩu trước tiên sẽ nhận hàng khi hàng đến cảng và bộ chứng từ hàng hóa đến tay người xuất khẩu. Khi nào chứng từ tài chính đến thì người xuất khẩu sẽ xem xét quyết định trả tiền nếu thấy hợp lệ hoặc từ chối thanh toán nếu phát hiện bất hợp lệ.
Qua toàn bộ quy trình nhờ thu, trong phương thức này ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian trong thanh toán bởi bộ chứng từ hàng hóa đã giao cho người nhập khẩu nên ngân hàng đại lý không thể khống chế người nhập khẩu được. Ngân hàng không có cam kết hay đảm bảo vì đối với người xuất khẩu và người nhập khẩu mà chỉ đơn thuần xử lý theo những chỉ dẫn mà người xuất khẩu thể hiện trên chỉ thị nhờ thu và hối phiếu. Phương thức này chỉ bổ sung cho phương thức chuyển tiền trả sau được một điểm là người xuất khẩu có thể chủ động đòi tiền sau khi giao hàng. Tuy chủ động nhưng đòi được tiền hay không vẫn còn tùy thuộc vào thiện chí và khả năng của người nhập khẩu. Vì vậy, người xuất khẩu chỉ nên áp dụng phương thức này trong trường hợp có quan hệ lâu đời và tín nhiệm người nhập khẩu.
Về phía người nhập khẩu đôi khi có lợi hơn người xuất khẩu ở chỗ là có thể nhận được hàng hóa trước khi trả tiền, nếu hàng hóa đến trước chứng từ đòi tiền. Trong trường hợp này, nếu người nhập khẩu vì lý do gì đó nhận được hàng và thậm chí sử dụng hàng rồi nhưng vẫn có thể chưa trả tiền cho người xuất khẩu, khiến cho người xuất khẩu bị thiệt hại. Để tránh xảy ra điều này, người xuất khẩu có thể thương lượng và yêu cầu người nhập khẩu áp dụng phương thức nhờ thu kèm chứng từ.

Rủi ro trong phương thức nhờ thu trơn

Do việc trả tiền trong phương thức nhờ thu trơn không căn cứ vào chứng từ thương mại mà chỉ dựa vào chứng từ tài chính, do đó rủi ro chủ yếu thuộc về nhà xuất khẩu.
Đối với nhà nhập khẩu, rủi ro có thể phát sinh khi lệnh nhờ thu đến trước hàng hóa và nhà nhập khẩu phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán trong khi hàng hóa không được gửi đi hoặc đã được gửi đi nhưng chưa tới, hoặc khi nhận hàng hóa có thể không đảm bảo chất lượng, chủng loại và số lượng như đã thỏa thuận trong hợp đồng thương mại.
Như vậy, rủi ro đối với nhà xuất khẩu là rất lớn vì giữa việc nhận hàng và thanh toán của nhà nhập khẩu không có sự ràng buộc với nhau. Cho đến nay, hầu hết các ngân hàng chỉ chú ý áp dụng Quy tắc thống nhất nhờ thu URC vào nhờ thu chứng từ, còn nhờ thu trơn được thực hiện theo quy chế riêng của từng ngân hàng nên thường không có dẫn chiếu URC. Nhưng cần hiểu rằng nếu xảy ra tranh chấp trong thanh toán nhờ thu thì URC sẽ là cơ sở để giải quyết những tranh chấp phát sinh. Chính vì vậy, các ngân hàng khi áp dụng nhờ thu trơn cũng cần phải lập lệnh nhờ thu và dẫn chiếu URC, nếu có tranh chấp xảy ra thì có cơ sở để giải quyết.

Trường hợp áp dụng

+ Hai bên mua bán tin cậy lẫn nhau hoặc hai bên cùng trong nội bộ công ty với nhau.
+ Dùng để thanh toán cước phí vận tải, bảo hiểm, hoa hồng, lợi tức…

Nhờ thu kèm chứng từ (Documentary Collection)

Người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng thì lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu (chứng từ gửi hàng và hối phiếu) và nhờ ngân hàng thu hộ tiền tờ hối phiếu đó, với điều kiện người mua trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền thì ngân hàng mới trao toàn bộ chứng từ gửi hàng cho người mua để họ nhận hàng.

Nhờ thu trả ngay (Documents against payment – D/P)

Đây là điều kiện thanh toán trả tiền ngay khi chứng từ được xuất trình. Ngân hàng thu hộ chỉ trao bộ chứng từ cho người nhập khẩu khi nhà nhập khẩu thanh toán nhờ thu. Thông thường, người trả tiền phải thanh toán trong vòng 3 ngày làm việc sau khi bộ chứng từ được xuất trình. Đối với điều kiện D/P, trong lệnh nhờ thu phải có chỉ thị “Release Documents against Payment”.
phương thức nhờ thu kèm chứng từ
Giải thích sơ đồ:
(1) Người mua đặt hàng người bán
(2) Người bán giao hàng cho người mua;
(3) Người bán lập bộ chứng từ thanh toán, trong đó bao gồm bộ chứng từ gửi hàng và hối phiếu chuyển cho ngân hàng và nhờ ngân hàng thu hộ tiền của hối phiếu.
(4) Ngân hàng bên bán chuyển toàn bộ chứng từ thanh toán cho ngân hàng bên mua và nhờ ngân hàng này thu hộ tiền ở người mua.
(5) Ngân hàng bên mua yêu cầu người mua trả tiền hối phiếu để nhận chứng từ.
(6) Nếu người mua trả tiền ngân hàng mới trao chứng từ gửi hàng cho họ để nhận hàng.
(7) Ngân hàng bên mua chuyển tiền hoặc hoàn lại hối phiếu bị từ chối trả tiền cho ngân hàng bên bán.
(8) Người mua nhận hàng và làm thủ tục thông quan hàng hóa
(9) Ngân hàng bên bán chuyển tiền hoặc hoàn lại hối phiếu bị từ chối trả tiền cho người bán.

Nhờ thu trả chậm (Documents against Acceptance – D/A)

Được sử dụng trong trường hợp mua chịu. Trình tự tiến hành D/A cũng giống như D/P, song có một điểm khác nhau là người mua chỉ phải ký nhận trả tiền vào hối phiếu thì sẽ được ngân hàng trao toàn bộ chứng từ gởi hàng để nhận hàng.
So với phương thức nhờ thu phiếu trơn thì phương thức nhờ thu kèm chứng từ có tính an toàn trong thanh toán cao hơn vì ngân hàng thay mặt cho người bán dùng bộ chứng từ để khống chế người mua phải trả tiền hoặc chấp nhận tả tiền (đối với nhờ thu trả chậm).
Tuy nhiên, nhờ thu kèm chứng từ cũng không phải là phương thức thanh toán an toàn tuyệt đối đối với người xuất khẩu vì việc nhờ ngân hàng thu hộ tiền chỉ diễn ra sau khi người xuất khẩu đã thực hiện xong nghĩa vụ giao hàng.

Công việc của nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu

a. Nhà xuất khẩu
– Giao hàng theo đúng hợp đồng ngoại thương đã thỏa thuận;
– Lập bộ chứng từ và hối phiếu đòi tiền.
– Làm công văn gửi ngân hàng nhờ thu hộ tiền.
b. Nhà nhập khẩu
+ Nhận giấy báo hàng về đến cảng (qua giấy này nhà nhập khẩu biết bộ chứng từ đã về tới ngân hàng; loại hình thanh toán: D/A hay D/P).
+ Nhà nhập khẩu làm thủ tục thanh toán:
+ Nhờ thu thanh toán ngay (D/P): Nếu đồng ý thanh toán thì ký vào giấy báo yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản của mình thanh toán cho người xuất khẩu.
+ Nhờ thu trả chậm (D/A): Nếu đồng ý thanh toán thì: 1. Ký chấp nhận vào mẫu thông báo D/A và 2. Ký hậu chấp nhận thanh toán vào hối phiếu.
Có thể bạn quan tâm: Khóa học thanh toán quốc tế