Các khái niệm
a. Tỷ giá (Exchange rate)
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có đồng tiền riêng. Thương mại, đầu tư và các quan hệ tài chính quốc tế… đòi hỏi các quốc gia phải thanh toán với nhau. Thanh toán giữa các quốc gia dẫn đến việc mua bán các đồng tiền khác nhau, đồng tiền này lấy đồng tiền kia, hai đồng tiền được mua bán với nhau theo một tỷ lệ nhất định, tỷ lệ này gọi là tỷ giá. Vậy, chúng ta có thể định nghĩa “Tỷ giá là giá của một đồng tiền được biểu thị qua một đồng tiền khác”.
Ví dụ: 1 USD = 24.500 VND. Trong ví dụ này, giá của USD được biểu thị thông qua VND và 1 USD có giá là 24.500 VND.
b. Đồng tiền yết giá, đồng tiền định giá
Trong tỷ giá có 2 đồng tiền, một đồng tiền đóng vai trò đồng tiền yết giá, còn đồng tiền gia đóng vai trò đồng tiền định giá.
Đồng tiền yết giá (Commodity Currency – Ký hiệu là “C”): là đồng tiền có số đơn vị cố định và bằng 1 đơn vị.
Đồng tiền định giá (Terms Currency – Ký hiệu là “T”): là đồng tiền có số đơn vị thay đổi, phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối.
Ví dụ: 1 AUD = 0,7642 USD, trong đó: AUD là đồng tiền yết giá, còn USD là đồng tiền định giá
c. Yết tỷ giá hai chiều (Two-way quotation)
Trong kinh doanh ngoại hối, các ngân hàng luôn yết tỷ giá hai chiều, bao gồm: chiều mua vào (tức tỷ giá mua) và chiều bán ra (tức tỷ giá bán). Tỷ giá mua đứng trước, còn tỷ giá bán đứng sau. Tỷ giá mua thấp hơn tỷ giá bán. Chênh lệch giữa chúng là thu nhập gộp của ngân hàng, bao gồm: chi phí hoạt động và phần lợi nhuận của ngân hàng.
d. Quy ước tên đơn vị tiền tệ
Để thống nhất và tiện lợi trong các giao dịch ngoại hối, Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO quy ước tên đơn vị tiền tệ của một quốc gia được viết bằng 3 ký tự. Hai ký tự đầu tiên là tên quốc gia, ký tự sau cùng là tên đồng tiền. Ví dụ, tên đơn vị tiền tệ của Mỹ USD, 2 ký tự đầu là viết tắt của The United States, ký tự sau cùng viết tắt tên của dollar.
Ký hiệu tiền tệ của một số quốc gia thông dụng
Tên đồng tiền | Ký hiệu |
Bảng Anh | GBP |
Dollar Mỹ | USD |
Đồng Euro | EUR |
Dollar Canada | CAD |
Dollar Hồng Kông | HKD |
Dollar Singapore | SGD |
Dollar Úc | AUD |
Franc Thụy Sĩ | CHF |
Yên Nhật | JPY |
Đồng Việt Nam | VND |

Phân loại tỷ giá
a. Căn cứ nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối:
1. Tỷ giá mua vào – Bid rate: là tỷ giá mà tại đó ngân hàng sẵn sàng mua vào đồng tiền yết giá.
2. Tỷ giá bán ra – Ask rate (Offer rate): là tỷ giá mà tại đó ngân hàng sẵn sàng bán ra đồng tiền yết giá.
3. Tỷ giá giao ngay (Spot rate): là tỷ giá được thỏa thuận hôm nay, nhưng việc thanh toán xảy ra sau hai ngày làm việc tiếp theo.
4. Tỷ giá kỳ hạn (Forward rate): là tỷ giá được thỏa thuận hôm nay, nhưng việc thanh toán xảy ra sau đó từ ba ngày làm việc trở lên.
5. Tỷ giá mở cửa (Opening rate): là tỷ giá áp dụng cho hợp đồng giao dịch đầu tiên trong ngày.
6. Tỷ giá đóng cửa (Closing rate): là tỷ giá áp dụng cho hợp đồng cuối cùng được giao dịch trong ngày. Thông thường, ngân hàng không công bố tỷ giá của tất các các hợp đồng đã được ký kết trong ngày mà chỉ công bố tỷ giá đóng cửa. Tỷ giá đóng cửa là một chỉ tiêu chủ yếu về tình hình biến động tỷ giá trong ngày. Cần chú ý là tỷ giá đóng cửa hôm nay không nhất thiết phải là tỷ giá mở cửa ngày hôm sau.
7. Tỷ giá chéo (Cross rate): là tỷ giá giữa hai đồng tiền được suy ra từ đồng tiền thứ ba (còn gọi là đồng tiền trung gian).
8. Tỷ giá chuyển khoản (Transfer rate): tỷ giá chuyển khoản áp dụng cho các giao dịch mua bán ngoại tệ và các khoản tiền gửi tại ngân hàng.
9. Tỷ giá tiền mặt (Bank note rate): tỷ giá tiền mặt áp dụng cho ngoại tệ tiền kim loại, tiền giấy, séc du lịch và thẻ tín dụng. Thông thường, tỷ giá mua tiền
mặt thấp hơn và tỷ giá bán tiền mặt cao hơn so với tỷ giá chuyển khoản.
10. Tỷ giá điện hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng điện. Ngày nay do ngoại hối được chuyển chủ yếu bằng điện nên tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng là tỷ giá điện hối.
11. Tỷ giá thư hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư (không phổ biến, hiện nay hầu như không dùng).
b. Căn cứ cơ chế điều hành chính sách tỷ giá
1. Tỷ giá chính thức (Official rate): là tỷ giá do ngân hàng trung ương công bố, nó phản ánh chính thức về giá trị đối ngoại của đồng nội tệ. Tỷ giá chính thức được áp dụng để tính thuế xuất nhập khẩu và một số hoạt động khác liên quan đến tỷ giá chính thức. Ngoài ra, ở Việt Nam tỷ giá chính thức (tỷ giá bình quân liên ngân hàng) còn là cơ sở để các ngân hàng thương mại xác định tỷ giá kinh doanh trong biên độ cho phép.
2. Tỷ giá chợ đen (Black market rate): là tỷ giá được hình thành bên ngoài hệ thống ngân hàng, do quan hệ cung cầu trên thị trường chợ đen quyết định.
3. Tỷ giá cố định (Fixed rate): là tỷ giá do ngân hàng trung ương công bố cố định trong một biên độ dao động hẹp. Dưới áp dụng cung cầu của thị trường, để duy trì tỷ giá cố định, buộc ngân hàng trung ương phải thường xuyên can thiệp, do đó là cho dự trữ ngoại hối quốc gia thay đổi.
4. Tỷ giá thả nổi tự do (Free floating rate): là tỷ giá được hình thành hoàn toàn theo quan hệ cung cầu trên thị trường ngân hàng trung ương không can thiệp.
5. Tỷ giá thả nổi có điều tiết (Managed floating rate): là tỷ giá được thả nổi, nhưng ngân hàng trung ương tiến hành can thiệp để tỷ giá biến động theo hướng có lợi cho nền kinh tế.
Các phương pháp yết tỷ giá
Yết tỷ giá trực tiếp và gián tiếp
Trên thế giới có rất nhiều tiền tệ khác nhau, chúng đều là tiền, nhưng xét từ góc độ một quốc gia, thì chỉ có nội tệ mới đóng vai trò là tiền tệ, còn các đồng tiền khác là ngoại tệ, đóng vai trò là hàng hóa, gọi là hàng hóa đặc biệt. Vì ngoại tệ đóng vai trò là hàng hóa trong mối quan hệ với nội tệ là tiền tệ, do đó yết giá ngoại tệ không khác gì yết giá hàng hóa thông thường. Chính vì vậy, xét từ góc độ quốc gia, ta có 2 phương pháp yết tỷ giá là:
a. Phương pháp yết tỷ giá trực tiếp
Đây là phương pháp yết giá ngoại tệ xét từ góc độ của quốc gia, trong đó:
– Ngoại tệ, với vai trò là hàng hóa, là đồng tiền yết giá, có số đơn vị cố định bằng 1.
– Nội tệ, với vai trò là tiền tệ, là đồng tiền định giá, có số đơn vị thay đổi phụ thuộc vào quan hệ cung – cấp trên Forex.
Ví dụ: Xét từ gốc độ quốc gia Việt Nam
Yết giá gạo trực tiếp: 1 kg = 20.000 VND
Yết giá USD trực tiếp: 1 USD = 24.500 VND
b. Phương pháp yết giá gián tiếp
Là phương pháp yết giá ngoại tệ xét từ góc độ của quốc gia, trong đó:
– Ngoại tệ, với vai trò là hàng hóa, là đồng tiền định giá, có số đơn vị thay đổi phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường.
– Nội tệ, với vai trò là tiền tệ, là đồng tiền yết giá, có số đơn vị cố định bằng 1.
Ví dụ: Xét từ góc độ quốc gia Việt Nam
Yết giá gạo gián tiếp: 1 VND = 0,00001 kg
Yết giá USD gián tiếp: 1 VND = 0,0000588 kg
Yết tỷ giá trong thực tế
Trên FX, tất cả các đồng tiền đều được yết giá với USD, và tỷ giá của bất kỳ đồng tiền nào với USD luôn có sẵn, không phải tính toán và thống nhất ở mọi nơi. Trong đó, USD đóng vai trò là đồng tiền định giá với 5 đồng tiền là GBP, AUD, NZD, EUR và SDR; đối với các đồng tiền còn lại, USD đóng vai trò là đồng tiền yết giá.
Trên thế giới có 3 nước là Anh, Úc, New Zealand và 1 khu vực đồng tiền chung EURO là dùng phương pháp yết tỷ giá gián tiếp; tất cả các nước còn lại đều dùng phương pháp yết tỷ giá trực tiếp.
Riêng nước Mỹ, dùng phương pháp trực tiếp với GDP, AUD, NZD, EUR, SDR và gián tiếp với tất cả các đồng tiền còn lại.
Chính vì vậy, khi niêm yết tỷ giá, ngân hàng thương mại cũng như màn hình Reuter người ta không thể hiện USD, mà vẫn không có sự nhầm lẫn nào.
Có thể bạn quan tâm: Khóa học thanh toán quốc tế